Đồng nát sắt vụn
No English as the letter is quite Viet-centric. Well, the main reason is that I’m too weak (after getting food poisoning). On my family’s archival practices & my favorite publications.
Bạn thân mến,
Mỗi lần dọn nhà là một lần đối diện với quá khứ của chính mình.
Hai mươi năm sống dưới cùng một mái nhà, nay xuống cấp quá nên ba má quyết định sửa sang.
Ngoài những lần cảm động vì thư từ, ghi chú, kỉ vật tìm thấy, mình còn có cơ hội được nhìn lại thực hành lưu trữ của gia đình ba người với những mối quan tâm riêng và thay đổi theo từng thời gian.
Kiến thức và quan điểm phản ánh trên các ấn phẩm do chính mình giữ lại cũng khiến mình ngạc nhiên (và đôi khi buồn cười) vì những thứ mình đọc trước tuổi 18 và trước khi rời gia đình đi sống cuộc đời (tương đối là) độc lập.
Mình muốn chia sẻ một góc của trải nghiệm này với bạn.
Một chút thông tin nền:
Ở thời kì hoàng kim của báo giấy Việt Nam những năm 2006-2008, gia đình mình đọc ít nhất 3 tờ báo mỗi ngày – Tuổi Trẻ (lúc đó lượng phát hành là 500.000 bản mỗi số), Thanh Niên và Tiền Phong. Rất thường xuyên, ba má mình sẽ mua một số tờ khác đọc thêm vào để “mở rộng quan điểm”: An ninh thế giới, Pháp luật Tp.HCM và Thế giới. Gọi là mua vì gia đình mình chưa bao giờ đặt dài hạn một tờ báo/tạp chí nào. Việc ra sạp báo vào buổi sáng sớm hoặc vào giờ nghỉ trưa là mặc định với ba mình.
Do đó, việc lựa chọn ấn phẩm nào để lưu trữ phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của ba độc giả chúng tôi đối với quý toà soạn và không áp dụng với nhật báo.
Cụ HCB trong phỏng vấn với cụ Sheila Turner-Seed đã bảo là:
“Journalism is a way of noting – well, some journalists are wonderful writers and others are just putting facts one after the other. And facts are not interesting. It's a point of view on facts which is important, and in photography it is the evocation.”
Trong khi ba má mình tập trung sưu tập các tạp chí văn chương và nghệ thuật của vùng Thuận Hoá, mình lưu trữ 4 ấn phẩm với nội dung dài trải bao gồm: Tuổi Trẻ Cuối Tuần (TTCT), Hoa Học Trò, Tạp chí Đẹp và 2!.
Trong khuôn khổ thư hôm nay tới bạn, mình xin chỉ nói về TTCT và một tờ báo đặc biệt khác.
TTCT là tuần báo của báo Tuổi Trẻ. Lúc mình bắt đầu biết nhớ thì tờ này mang tên Tuổi Trẻ Chủ Nhật.
Dù bắt đầu đọc TTCT từ lớp 1, mình khởi sự xếp giữ cẩn thận các tờ TTCT đã đọc lên giá vào khoảng 2006 khi cảm thấy những quan điểm và quan sát do tờ này mang lại là cực kỳ mới mẻ và mở mang.
Đây là bìa báo mà mình ấn tượng nhất. Bài vedette số đó là về những thất bại về chính sách trước và sau khi động đất xảy ra ở Haiti năm 2010.
Năm 2016, mình đã oà khóc khi nhớ đến tiêu đề này sau khi nghe tin quê nhà bị ảnh hưởng bởi vụ Formosa.
“Minh Hồng tìm bạn đồng hành” là một trong những bài chính của TTCT số ra ngày 27/9/2009. Không hiểu sao lúc đó mình highlight điều kiện để trở thành bạn đồng hành của chị Minh Hồng như sau “sử dụng tiếng Anh thành thạo” và “có sức khoẻ tốt”.
Mấy tuần trước, sau mình khi đăng ảnh này lên Insta story cá nhân, một người bạn đã reply (một cách vừa xót xa vừa tự trào): “biết luật thuế”.
Một bài về du lịch xuất bản đâu đó 10 năm trước, hi vọng tác giả bài này giờ có chơi Tiktok.
Ngoài ra tờ này dành rất nhiều ưu ái cho bà Catherine Karnow – tác giả ảnh bìa Lonely Planet-Vietnam bản đầu tiên, cũng như đề cập đến nhiều chủ đề vừa thiết thân vừa ngách – bác sĩ tuyến xã, công nghiệp phần mềm Việt Nam (cả về phát triển Thủ Đức hơn chục năm về trước) hay triển vọng mưa Huế thành “đặc sản” du lịch với các khách Tây đạp xe trông khá tội nghiệp.
Mình tiếp tục đọc TTCT cho đến năm 2021 là tròn 20 năm. Dạo này lâu lâu cũng vào website để xem nhưng dù sao thì những ấn phẩm như thế này rất xứng đáng được mua định kỳ, nếu có thể, để san sẻ với những người viết tâm huyết và bài viết sắc sảo. Tác giả yêu thích của mình là cụ Danh Đức với các bài về quan hệ quốc tế và Biển Đông, lâu lâu đá chéo sân qua âm nhạc thường thức.
Thế giới là phụ san của báo Quốc tế (ngạc nhiên chưa!?) thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Số Thế giới đầu tiên ra ngày 12/9/2001 – ngay sau vụ khủng bố ở World Trade Center.
Tờ này bị đình bản vào năm 2006. Mình giữ lại một số (gần như là cuối) của tờ này như một lời nhắc về cách thức làm báo không giống ai và đầy tự do, dân chủ.
Như một lẽ tất nhiên, các bài vedette đều là về quan hệ quốc tế nhưng viết theo cách rất showbiz kịch tính.
Tuy vậy, điều khiến mình và chắc hẳn là các độc giả trung thành của tờ này thời điểm đó cảm thấy gắn bó nhất là mục Dân bàn với gần 10 trang in chi chít quan điểm gửi về qua tin nhắn SMS.
Lưu ý, Thế giới ra đời và đình bản trước khi Facebook vào Việt Nam.
Ý kiến được chia thành nhiều chủ đề rất đa dạng: Quốc hội, Kinh tế, Xã hội, Cán bộ, Giao thông, v.v.
Độc giả có thể phản hồi tin nhắn đã được in của các độc giả khác ở các mục Tôi đồng tình và Tôi phản đối.
Dù toà soạn mặc định che 4 số cuối của số điện thoại, nhiều độc giả vẫn mạnh dạn để luôn số của mình (chuyện không tưởng ở thời nay!) dưới chuyên mục “Hãy đăng cả số điện thoại của tôi!”
Mình xin trích một số quan điểm của bạn đọc mà mình thấy thú vị:
[Quốc hội]
““Lập lờ đánh lận con đen”, đó là trường hợp đối với ông Đào Đình Bình. Tại sao không cách chức, bãi nhiệm mà lại miễn nhiệm ông cùng với 7 vị khác. Đã có hơn 30% ĐBQH không đồng ý miễn nhiệm mà sao vẫn làm. Cơ chế, quy định đã rõ ràng mà không tuân theo, dân không phục đâu!”
[Văn hoá]
“Tại sao mấy ông diễn viên hề nhà mình lại được VTV3 trọng dụng vậy nhỉ? Chương trình nào cũng có mặt, lại còn bình luận bóng đã nữa chứ, hay là VTV3 muốn câu khách?”
[Cán bộ]
“Ở nước ngoài an ninh kém, quan chức phát biểu phải đứng sau kính chống đạn nên nhanh và ngắn gọn. Ở VN an ninh tốt, các quan “kính thưa” phát biểu vô tư.”
Tuần này đến đây thôi. Quá bận với công việc, lu bu với dọn nhà và bị quật ngã cuối cùng bằng cơn ngộ độc thức ăn khiến mình không còn thời gian mà nghĩ nghĩ suy suy. Tất cả những gì viết ra là những gì mắt thấy trông coi – cả bây giờ, cả quá khứ.
Hẹn thư sau,
T.
Sự lựa chọn của tuần này
Cuộc trò chuyện của Henri Cartier-Bresson và Sheila Turner-Seed.
Chính bản ghi buổi phỏng vấn cũng có một cuộc đời kỳ lạ: nằm yên trên giá của phòng lưu trữ Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế (ICP) tại New York đến năm 2011 khi Rachel Seed, con gái của cụ Sheila, biết đến sự tồn tại của nó khi thực hiện dự án “A Photographic Memory” về đứa con gái tìm kiếm hình bóng người mẹ chưa bao giờ biết mặt thông qua tình yêu chung dành cho nhiếp ảnh.
Cụ Sheila mất khi Rachel mới 1 tuổi và chưa thể nhớ giọng nói của bà.
Tập Library Services trong Pretend It’s a City
Có một đoạn cụ Fran Lebowitz nói về những ngày thành phố New York chìm trong biển báo giấy thải ra mỗi ngày, thậm chí mỗi buổi, rất nhiệt huyết. Thời xa vắng nay chẳng còn đâu.
Watch Pretend It’s a City | Netflix Official Site
Bài viết về tiệm sách Argosy được nhắc tới trong tập Library Services, cụ Janet Malcolm viết. Rất nên đọc.
https://www.newyorker.com/magazine/2014/06/23/the-book-refuge
Cùng đọc nhé tại Tầng 02, Sóng Sánh Cafe, 48 Ngọc Hà, Hà Nội.
Rất cảm động vì sự hào phóng này – sách hay, quý, được lựa chọn cẩn thận và ghi chú giám tuyển viết rất chỉnh chu.
Album này của một “bạn” trong nhiều bạn mến yêu gửi đến mình – sự an ủi gần như là duy nhất trong những ngày nằm mê man mệt mỏi. Các bạn, nếu thấy gì hay hãy gửi cho mình nhé? Mình sẽ đọc, xem và nghe để mở mang cho đỡ bị bó hẹp trong sự hữu hạn của bản thân.
Craig Ruhnke – True Love (Full Album