Khi cô đơn em cầu ai
Post vacation means no energy to translate. Will add the English ver. later or else.
Bạn thân mến,
Trên đỉnh Bạch Mã, mình đã cầu sớm lấy được chồng giàu để nhanh chóng thoái lui khỏi thị trường lao động.
Tạm bỏ qua các câu hỏi về động cơ, xung đột, rắc rối giới, vai trò xã hội, giằng xé về cảm xúc, tiến bộ về nhận thức hay bất công còn tồn tại và hàng tỉ những vấn đề mà một người dị tính nữ phải chịu khi đối mặt với sự tàn nhẫn của thế giới này, mình đi tìm lời giải cho câu hỏi của một người đồng hành: “Lời cầu nguyện đó gửi đến ai?”
“Nam mô a di đà Phật lạy ông mệ thổ thần đất đai” – đó là cách mình (vô thức?!) bắt đầu bất cứ một lời cầu nguyện nào.
Đứng trước lư hương nghi ngút khói hay đơn giản một nơi mình thấy có kết nối về mặt tâm linh, chắp đôi tay, mình lẩm bẩm “Nam mô a di đà”.
Mình có phải là một tín đồ Phật giáo không? Đến lúc này thì không.
Lời mở đầu kia đơn thuần là cách mình nói “Xin chào!” trước khi vén tấm rèm ngăn cửa bước vào.
Sự nhập nhằng giữa một bên là tôn giáo và một bên là tín ngưỡng địa phương có chăng là thứ khiến mình coi một cụm từ thuần Phật giáo thành đường dẫn vào một chiều kích không gian khác ngoài sự tồn tại vật lý này?
Không phải lần nào lời chào cũng thoát ra một cách tự nhiên như vậy. Mình đã từng băn khoăn khi được mở nhà nguyện cho ngồi một mình vào đêm Tạ ơn.
Trong một nhà thờ nhỏ ở East Williamsburg, trước tượng Đức mẹ và hai bình hoa cúc và đồng tiền cắm xen kẽ kiểu Việt Nam do hai người chị đi sứ mạng chăm nom, mình cảm nhận được một sự nhiễu và ngần ngừ.
“Hello, hmm” – mình đã bắt đầu lời nguyện cầu như vậy đấy.
Mỗi năm vào tháng 2 hoặc tháng 8, như nhiều gia đình vùng Thuận Hoá, nhà mình tổ chức cúng đất. Mâm cỗ phức tạp với nhiều tầng lớp lang, đồ lễ bày trên nhiều chén liễn nhỏ.
Mảnh đất nơi là Quảng Trị từng thuộc về Vương quốc Chăm Pa. Người dân ở đây tổ chức cúng bái trịnh trọng hằng năm để thể hiện sự biết ơn và công nhận đối với những chủ nhân đầu tiên và hương hồn của họ.
Mình đã thờ ơ với phong tục này chỉ cho đến khi đặt chân đến New York – vùng đất của người Lenape.
“Dân tộc: Hán
Tôn giáo: Phật giáo”
Năm 16 tuổi, lần đầu tiên mình thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy một cái chứng minh thư “phức tạp”.
Đã bao lần mình điền vào phần hồ sơ cá nhân rằng:
“Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Không”
như nhiều người Việt Nam khác?
Năm 16 tuổi, lần đầu tiên mình nghe cô giáo giới thiệu bản thân là “free-thinker” thay vì “atheist”.
Điểm khác biệt, có lẽ là sự không rũ bỏ niềm tin vào sự tồn tại của thánh thần.
Khi đứng trước một điểm rơi, điều gì níu mình ở lại? Lời nguyện cầu, với bạn, nói ra có dễ không?
Riêng mình, vào buổi trưa hôm ấy sau khi thành tâm chắp đôi tay, gửi thẳng lời mong mỏi vào núi, mình bật cười với sự ngớ ngẩn của bản thân.
Hẹn thư sau,
T.
Sự lựa chọn của tuần này
Không chắc thì bói
https://www.newyorker.com/magazine/2019/10/28/astrology-in-the-age-of-uncertainty
Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Huế) với nhiều tác phẩm với chủ đề nguyện cầu lắp ghép từ 7 modules của bà
https://diemphungthiartfoundation.com/tac-pham/ngon-ngu-diem-phung-thi/
“Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ”
Pi (1998)
Tự dưng nhớ tới cái phim này.
Tuần này đã đôi lần lộ sáng, như cụ Cohen bảo – vết nứt để ánh sáng lọt vào. Thấy mình hèn hơn sau ngần ấy năm, đọc lại Cao vọng của bọn thanh niên An Nam.
Tặng bạn một ảnh từ Bạch Mã còn kể chuyện thì đợi sau.